Hướng dẫn thực hiện tự xoa bóp giảm đau nhức cơ xương khớp

Khi chữa bệnh về xương khớp, các phương pháp điều trị trong y học cổ truyền đều nhằm lưu thông khí huyết ở gân, cơ, xương và đưa tà khí (phong, hàn, thấp, nhiệt) ra ngoài cơ thể, đồng thời hành khí hoạt huyết, thư cân hoạt lạc, phục hồi chức năng bình thường của các khớp xương. 

Thời tiết thay đổi kéo theo sự thay đổi các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết hợp của muối hay sự thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch,… Chính những thay đổi này đã góp phần khiến các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn kèm theo đó là các đợt đau xương khớp. Tùy theo từng thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp theo chỉ định của thầy thuốc. Bên cạnh đó, bạn có thể tự thực hiện xoa bóp đầu và mặt, xoa bóp vai hay tập vận động khớp ở tư thế ngồi, day bấm huyệt… để hỗ trợ điều trị.

Đau nhức xương khớp thuộc trong phạm vi chứng tý theo Đông Y, tý ở đây có nghĩa là tắc nghẽn, không thông. Ngoài việc sử dụng thuốc, xoa bóp hay bấm huyệt là phương pháp vô cùng đơn giản, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định. 

Phương pháp thực hiện như sau: 

1. Xoa bóp mặt và đầu: 

Tư thế ngồi: xoa 2 bàn tay vào nhau thật mạnh và nhanh sao cho 2 bàn tay nóng lên. 

Thực hiện: đầu ngửa về sau, 2 tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên trên đỉnh đầu, đồng thời đầu dần dần cúi xuống gáy, 2 tay xoa đều 2 bên cổ và áp vào cằm. Tiếp tục thực hiện động tác lại như trước từ 10 – 20 lần. 

2. Xoa bóp vai – ngực

Thực hiện động tác: bàn tay úp ngược lại, vòng tay qua vai đối diện ra sau tới huyệt đại chùy ( ở dưới gai đốt sống cổ thứ 7) dùng các ngón tay xoa dần dần từ ngoài vai tới trong cổ. Xoa từ vai tới ngực khoảng 10 – 20 lần.

3. Xoa bóp chi trên, phía ngoài và trong

Thực hiện động tác: xoa phía ngoài vùng tai, vùng cánh tay, cẳng tay và bàn tay, trong lúc bàn tay để úp, xong lật ngửa bàn tay, tiếp tục xoa phía trong từ bàn tay lên cẳng tay, cánh tay và vai khoảng 10 – 20 lần rồi đổi tay xoa bên kia.

4. Xoa chi dưới, phía trên và dưới

Hai tay để lên đùi, xoa từ trên xuống dưới của phía trước đùi và cẳng chân tới mắt cá, trong lúc chân dần dần giơ lên cao. Sau đó vòng 2 tay ra phía sau cổ chân, tiếp tục xoa phía sau từ dưới lên tới đùi, trong lúc chân từ từ hạ xuống. Tay trong vòng lên phía trên đùi, tay ngoài vòng ra phía sau, xoa vùng mông rồi vòng lên phía trên cùng cùng bàn tay trong tiếp tục xoa như trên từ 10 – 20 lần. Tiếp tục thực hiện tương tự cho bên còn lại. 

5. Xoa bàn chân 

Xoa lòng bàn chân, 2 lòng bàn chân xoa mạnh, chà xát với nhau khoảng 10 – 20 lần. Xoa phía trong lòng bàn chân, các thực hiện khá dễ dàng, bạn chỉ cần lấy phía trong bàn chân bên này để lên phía trong của bàn chân bên kia, chà xát vào nhau và thay đổi nhau từ 10 – 20 lần. Phía ngoài bàn chân bên này chà lên mu bàn chân bên kia khoảng 10 – 20 lần. 

Thao tác thực hiện bấm huyệt dũng tuyền: đầu tiên co bàn chân và các ngón chân lại, sau đó lòng bàn chân sẽ xuất hiện một chỗ hõm thì ngay ở vị trí ⅓ trước gan bàn chân chính là vị trí của huyệt.

6. Xoa bóp vai gáy

Dùng lòng bàn tay xát lên vùng sau cổ khiến vùng da có cảm giác ấm nóng. Dùng tay bóp nắn các cơ quan quanh cột sống cổ và vai: ngón cái 1 bên, các ngón còn lại một bên bóp nắn nhẹ nhàng quanh vùng cổ vai cho đến khi vùng cổ vai hơi ửng đỏ thì dừng lại.  

Tìm điểm đau vai gáy nếu có: dùng ngón tay day vào chỗ đau và giữ khoảng 1 phút. Kiểm tra cơ ở quanh bả vai nếu thấy co cứng thì bấm, bật cơ và day nhẹ. Mỗi lần xoa bóp 10 – 15 phút vùng cổ gáy, có thể tự xoa bóp cho mình hoặc nhờ người khác xoa bóp cũng mang lại hiệu quả thiết thực. 

Bấm huyệt phong trì (ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức còn đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ), đại chùy (ngồi hơi cúi đầu, quay cổ qua lại trái phải, u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ 7, huyệt này nằm ngay chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7), kiên tỉnh (giao điểm của đường thẳng ngang qua đầu ngực với đường ngang nối huyệt đại chùy và điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn, khi ấn vào có cảm giác ê tức).

Luyện tập vận động khớp cổ với tư thế ngồi: quay cổ qua lại và nghiêng cổ qua bên trái – phải, sau đó cúi ngửa cổ ra trước – sau đồng thời tổng hợp các động tác cổ vừa thực hiện liên tục, thực hiện các động tác nhẹ nhàng, tránh làm quá mạnh sẽ gây đau. Mỗi động tác thực hiện lặp lại 3 – 5 lần. 

7. Xoa bóp lưng

Xoa vùng lưng cho ấm nóng lên. Phương pháp xoa bóp lưng là sử dụng vân ngón tay, gốc bàn tay hoặc mô ngón tay út, ngón tay cái xoa tròn trên da tại vị trí bị đau. Sau đó xát lưng bệnh nhân (sử dụng cả 2 bàn tay xát mạnh vào lưng, xát cả 2 tay ngược chiều nhau, xát ngang, xát dọc). Mỗi động tác xoa làm trong khoảng 2 phút để làm ấm da. 

Thực hiện day rồi đấm 2 bên thắt lưng 3 lần. Thao tác day như sau: dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út và mô ngón tay cái, dùng một lực nhẹ ấn xuống da và di động theo đường tròn. Đây là một thủ thuật vô cùng mềm mại, hay dùng ở nơi đau, ở vị trí có nhiều thịt. 

Sau đó dùng mô ngón tay út, 4 ngón lăn dọc theo 2 khối cơ cạnh cột sống xuống hông trong thời gian 2 – 3 phút, rồi từ từ lăn tiếp từ hông xuống chân. Dùng cả 2 bàn tay, ngón cái và các ngón khác bóp vào cơ lưng, trọng tâm nơi bị co cứng. Tìm vị trí ấn đau ở lưng, day từ nhẹ đến mạnh. Thao tác thực hiện như sau: dùng ngón tay cái, mô ngón tay út và mô ngón tay cái hoặc gốc bàn tay ấn vào một vị trí nào đó hoặc vào huyệt. Những vị trí gân cơ bị co cứng làm động tác bật.

Nguyên tắc thực hiện là làm nhẹ nhàng sau đó tăng dần mức độ. Thời gian một lần xoa bóp là khoảng 20 phút. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
0909009009